TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỂ DỤC THỂ THAO ĐÀ NẴNG
DANANG SPORT UNIVERSITY (DSU)
Trụ sở chính: Số 44, đường Dũng Sỹ Thanh Khê, Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng
Cơ sở 2: Số 122, đường Hoàng Minh Thảo, phường Hòa Khánh Nam, Quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 02363.759409; Website: https://dsu.edu.vn/ ; Email: tdttdn@dsu.edu.vn
Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, tiền thân là trường Trung học TDTT Trung ương III, được thành lập ngày 13 tháng 12 năm 1977, được nâng cấp thành trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng năm 1997 và được Thủ tướng chính phủ quyết định thành trường Đại học TDTT III Đà Nẵng ngày 25 tháng 4 năm 2007. Đến ngày 21 tháng 2 năm 2008, theo Quyết định số 720/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trường được đổi tên thành Trường Đại học TDTT Đà Nẵng.
Trường Đại học TDTT Đà Nẵng là tổ chức trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thể dục, thể thao trình độ đại học, sau đại học và tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
Trường Đại học TDTT Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự. Bộ VHTTDL là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định về cơ cấu tổ chức và giao chỉ tiêu số người làm việc cho Trường.
Giai đoạn 2016-2018, cơ cấu tổ chức Trường có: Hội đồng Trường, Ban giám hiệu, 07 Phòng, 08 Khoa, 11 bộ môn và 04 tổ chức trực thuộc. Từ cuối năm 2018 đến nay cơ cấu tổ chức Trường được điều chỉnh gồm có: Hội đồng Trường, Ban giám hiệu, 04 Phòng, 06 Khoa và 05 tổ chức trực thuộc. Giảm 15 đầu mối so với giai đoạn trước đó.
Bộ máy tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, có hệ thống các văn bản đảm bảo cho bộ máy tổ chức hoạt động minh bạch; đáp ứng được yêu cầu tổ chức, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ được Bộ trưởng giao; đáp ứng thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về đảm bảo chất lượng: quản trị chiến lược, quản trị hệ thống và quản trị chức năng về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Sau 47 năm xây dựng và phát triển, trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã đào tạo trên 15.000 cán bộ, giảng viên, giáo viên GDTC, huấn luyện viên TDTT có trình độ sau đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp. Học sinh, học viên, sinh viên của Trường được trang bị toàn diện, đầy đủ về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, vì vậy khi ra trường đã sớm khẳng định được năng lực công tác. Nhiều cựu học sinh, sinh viên, học viên của Trường đã trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, giáo viên, huấn luyện viên giỏi, được các cơ sở sử dụng nhân lực và các địa phương, xã hội đánh giá cao.
Trường còn đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, tạo vị thế là trung tâm đào tạo, khoa học và công nghệ TDTT của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
Hiện nay, quy mô đào tạo của Trường hơn 1.000 người học ở bậc đại học và sau đại học. Trường tổ chức đào tạo bậc đại học cho 03 ngành gồm: Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Quản lý TDTT; đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục học. Sinh viên của Trường được lựa chọn học các chuyên ngành: Giáo viên giáo dục thể chất, Truyền thông và tổ chức sự kiện thể thao, Golf, Khoa học vận động, Điền kinh, Thể dục, Cờ vua, Bơi lội, Bóng chuyền, Bóng đá, Bóng rổ, Bóng ném, Bóng bàn, Cầu lông, Võ thuật, Quần vợt và Thể thao giải trí. Hình thức đào tạo của Trường phong phú, phù hợp với nhu cầu của người học. Trường thường xuyên thực hiện việc đổi mới công tác quản lý, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong giáo dục theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 do Viện tiêu chuẩn Anh giám sát. Trường đã hoàn thành kiểm định và được cấp Giấy kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo Quyết định số 56/QĐ-CEA.UD ngày 25/02/2021 của Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục Đại học Đà Nẵng.
Trường đã được Trung tâm kiểm định chất lượng Đại học Đà Nẵng tổ chức kiểm định và trao chứng nhận chất lượng 03 Chương trình giáo dục đại học (Giáo dục Thể chất, Huấn luyện Thể thao, Quản lý TDTT).
Chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Giáo dục thể chất
Chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Huấn luyện thể thao
Chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Quản lý Thể dục thể thao
Bên cạnh đó Trường cũng hoàn thành việc tự đánh giá 01 Chương trình Cao học ngành Giáo dục học.
Tạp chí Khoa học và Đào tạo TDTT của Trường có mã số ISSN 2588-1345 được xuất bản định kỳ theo quý (3 tháng 1 số), được Hội đồng chức danh nhà nước xét tính điểm (0.5 điểm cho bài báo in trong Tạp chí) để công nhận các học hàm, học vị.
Hội đồng Trường Trường Đại học TDTT Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020 – 2025 có 15 thành viên được công nhận theo Quyết định số 3430/QĐ-BVHTTDL ngày 18/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Hội đồng Trường đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo Luật Giáo dục Đại học, xây dựng đề án tổng thể, chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển trường, họp bàn và thống nhất phê duyệt, ban hành các nghị quyết quan trọng, tạo các điều kiện cần thiết và phối hợp, hỗ trợ ban lãnh đạo nhà trường trong các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm Trường ngày càng nâng cao quyền tự chủ trong học thuật, cơ cấu tổ chức và tạo nguồn kinh phí hoạt động theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Về hợp tác quốc tế, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng rất chú trọng đẩy mạnh công tác hợp quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong những năm qua trường đã ký kết các biên bản ghi nhớ và ký hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi học thuật và khoa học theo nhiều hình thức khác nhau với các trường Đại học Harpury (Anh Quốc); các trường Đại học TDTT Bắc Kinh, Thượng Hải, Học viện TDTT (Trung Quốc) về vấn đề trao đổi thông tin các hoạt động nghiên cứu và cử cán bộ, giảng viên đi học tiến sĩ các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, y sinh học TDTT. Tham gia các hoạt động NCKH và cử các đoàn đi tham dự, báo cáo tại các Hội nghị, Hội thảo khoa học ở các đại học, học viện TDTT ở Thái Lan, Australia, Tây Ban Nha, Nga... để nâng cao trình độ chuyên môn. Trường mời các nhà khoa học, các đoàn đại biểu của các trường, học viện TDTT ở nước ngoài có hợp tác với Trường tham gia các Hội nghị khoa học quốc tế do Trường tổ chức. Ngoài ra trường còn cử các đoàn thể thao của trường tham dự các giải thể thao quốc tế do các nước tổ chức và định kỳ cử sinh viên, giảng viên đi thực tập, thực tế, cũng như tiếp đón sinh viên của các trường về thực tập tại trường.
Về lĩnh vực Giáo dục quốc phòng và An ninh: Năm 2010, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Khoa Giáo dục quốc phòng. Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Trường Đại học TDTT Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 4352/QĐ-BVHTTDL ngày 15/12/2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL trên cơ sở Khoa giáo dục quốc phòng. Hiện nay, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh của Trường được giao liên kết giảng dạy, cấp chứng chỉ quốc phòng và an ninh cho sinh viên 27 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam theo Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH.
Về nhu cầu đào tạo và việc làm của sinh viên: Hiện nay, nhu cầu việc làm đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên là rất lớn (ngoài chỉ tiêu tuyển dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp), nhất là trong các doanh nghiệp, tập đoàn, khu nghỉ dưỡng, các trung tâm dịch vụ giải trí, du lịch, thể thao…Hàng năm, Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng cùng với các doanh nghiệp tổ chức ký kết giới thiệu sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp, tổ chức ngày hội giới thiệu vị trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 06 tháng đến 01 năm đạt từ 60 đến gần 85% theo ngành đào tạo.
Trường Đại học TDTT Đà Nẵng luôn chào đón các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các đơn vị và cá nhân, huấn luyện viên, vận động viên, giảng viên, sinh viên, học viên tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, nghiên cứu, cùng nhau phát triển tương lai bền vững.